Trên đường đến trường, Đỗ Thị Kim Dung và Trương Hữu Đức lớp 12 thường xuyên gặp cống thoát nước trên nhiều tuyến đường tại thành phố Biên Hòa, Đồng Nai bị rác chắn, nhất là sau mỗi trận mưa lớn. Ý thức được trách nhiệm bảo vệ môi trường hai bạn quyết định tìm tòi, nghiên cứu một thiết bị gom rác và từ đó dự án nắp cống gom rác tự động không sử dụng điện được thực hiện.
Xem thêm: Mô hình ngôi nhà chống ô nhiễm từ bãi rác
Dung và Đức cho biết, sau mỗi cơn mưa rào, các tuyến đường lại bị ngập nước trong khi nắp cống cũ được làm bằng lưới đan hoặc thanh chắn khiến dòng chảy bị tắc vì rác. Trước tình trạng đó công nhân phải tốn nhiều thời gian để moi rác ở miệng cống. Nhiều người dân cũng vì muốn thông nhanh dòng nước mà rút ngay tấm lưới và thanh chắn làm cho rác bị cuốn xuống cống gây tắc nghẽn hệ thống thoát nước. Đây là lý do mà chúng em quyết định thực hiện nắp cống gop rác tự động không sử dụng điện.
Để thực hiện được nắp cống gom rác tự động không sử dụng điện, Dung và Đức đã phải đến từng địa điểm trên các tuyến đường để tiến hành đo tốc độ dòng chảy của nước trong lòng cống. Với mong muốn tạo ra một thiết bị gom rác ứng dụng cao, hai bạn đã chọn các thời điểm khác nhau để đo tốc độ dòng chảy như giờ cao điểm, ngày không mưa, ngày mưa nhỏ, ngày mưa rào…
Qua rất nhiều nghiên cứu, hai bạn học sinh đã phác thảo bản vẽ nắp cống gom rác tự động không sử dụng điện với một số bộ phận quan trọng. Các bộ phận cần có để sáng chế ra thiết bị gom rác hữu ích bao gồm bộ phận gom rác, thùng chứa rác rời, tua bin gắn cánh quạt, chổi quét, lưới lọc và khung đỡ. Trong mỗi một bộ phận chính này lại được cấu tạo từ nhiều chi tiết nhỏ khác nhau. Khi đưa vào sử dụng, toàn bộ thiết bị đều tiếp xúc trực tiếp với nước nên hai bạn cũng rất chú ý đến chất liệu của từng bộ phận. Để tránh ảnh hưởng của quá trình oxi hóa, các bộ phận phải được làm từ inox, đặc biệt lưới lọc phải là loại cao cấp, siêu bền.
Dựa trên bản thiết kế nắp cống gom rác tự động, hai bạn Dung và Đức đã phân tích rõ ràng nguyên lý hoạt động của thiết bị gom rác. Thiết bị này hoạt động chủ yếu nhờ vào năng lượng dòng chảy của nước tại cống, khi nước chảy sẽ đẩy cánh quạt làm trục quay tác động đến chổi quét chuyển động quanh khung đỡ. Khi đó, rác sẽ theo bị giữ lại trên tấm lưới lọc và được chổi quét gom bỏ vào thùng rác rời, công nhân môi trường chỉ cần thu lấy rác từ thùng rác rời mà không tốn thời gian moi rác như trước.
Qua nhiều lần sửa chữa và thay đổi thiết kế để phù hợp với thực tế. Dự án nắp cống gom rác tự động không sử dụng điện của hai bạn cũng được hoàn thành. Đức cho biết, chi phí hoàn thiện thiết bị gom rác tự động khoảng 800.000 đồng, nếu được sản xuất đại trà có thể giá thành chỉ khoảng 400.000 – 500.000đ/sản phẩm. Đây là một sáng chế hiệu quả có tính ứng dụng cao nên đã giành giải Nhất tại cuộc thi Khoa học – Kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh năm học 2015 – 2016 và giành giải Nhì cấp Quốc gia năm 2016.